GHẺ NƯỚC

(Kí ức đời lính) Công việc làm dụng cụ huấn luyện chúng tôi đã hoàn thành nhanh chóng mà không gặp trở ngại gì, vì anh em tôi cũng thành thạo việc pha tre, đan phên và đẽo gọt, anh bạn Hà Tây thì không biết đan nhưng làm công việc chặt gỗ nhỏ thành từng khúc theo tiêu chuẩn chiều dài của quả lựu đạn và miếng thuốc nổ. Cây gỗ to không sử dụng được phải vứt bỏ, cán bộ thương chúng tôi cho phép thay thế bằng đoạn gốc tre, dùng gỗ bịt kín lỗ ở đầu và đẽo gọt thuôn tròn lại. Chúng tôi cứ thắc mắc với nhau về việc phải đan cái sọt để làm gì khi ai cũng có cái ba lô, thì được cán bộ giải thích rằng: “ba lô để dành đựng quân trang đi chiến trường, cái sọt để đựng gạch đá rèn luyện mang nặng khi hành quân”. Hiểu rõ được tác dụng của cái sọt tre, anh bạn Hà Tây đề xuất sáng kiến lấy bẹ chuối khô bện dày vào hai cái quai đeo cho đỡ đau vai, một sáng kiến quá tuyệt vời mà sau này mọi người nhìn thấy đều ăn cắp bản quyền. Vừa làm vừa trò chuyện thăm hỏi quê hương và hoàn cảnh của nhau. Hợp quê ở huyện Phú Xuyên gần cầu Rẽ, cùng tuổi con ngựa và cũng mới học hết học kỳ 1 của lớp 10 như anh Tiến, tính tình hoạt bát nhanh nhẹn và rất khéo nói (có lẽ Hà Tây gần Hà Nội nên người dân cũng khôn hơn). Hợp kể rằng ở vùng quê cậu ấy gọi những con cá nhỏ là con tép, còn những con thuộc họ nhà tôm dù to hay nhỏ đều có tên chung là tôm. Tôi cũng giải thích với Hợp về cách gọi tên các loại thủy sản ở quê tôi, và cũng từ hôm đó mà tôi đã hiểu được ý nghĩa câu hát “Hà Tây gọi Tép là Tôm” mà khi ở nhà tôi thường nghe thấy mấy anh thương binh nghỉ dưỡng trong làng hay nghêu ngao hát. (câu hát lái theo lời bài hát Hà Tây quê lụa của nhạc sĩ Nhật Lai) Sau khi hoàn thành công việc đan lát đẽo gọt, chúng tôi bước vào bài huấn luyện đầu tiên – Rèn luyện hành quân mang vác. Những lần đầu thì được mang nhẹ, trong cái sọt tre là những cục đá ong tổng trọng lượng ước chừng 10kg, cộng với khẩu súng quàng qua cổ hoặc vác trên vai, hành quân ban ngày trên những con đường quanh co trong các làng xóm, quãng đường đi cũng không dài lắm ước chừng chưa tới 10km. Như được đi dạo chơi tham quan thưởng ngoạn cảnh làng quê, hòa trộn giữa tiếng nói cười của những chàng lính trẻ là tiếng reo hò của trẻ nhỏ và tiếng chó sủa râm ran mỗi khi đi qua cổng một nhà, thỉnh thoảng lại gặp một đoàn đi ngược lại, hai bên vẫy tay chào nhau ríu rít vui như tết. Tập luyện hành quân ban ngày mấy buổi cho quen đường thì chuyển sang đi ban đêm, cũng cung chặng đường ấy nhưng đi trong đêm tối sao mà khó khăn thế, không ít chàng xoài người vồ ếch khi đoàn quân đi vào đường bờ ruộng trên những cánh đồng. Mấy lần đầu cán bộ trung đội có vẻ thương lính nên dễ tính một chút, nhưng về sau thì tính nghiêm khắc được nâng dần lên từng cấp độ. Những cục đá ong tự chọn hôm đầu không còn được sử dụng nữa, thay vào đó mỗi người phải nặn 4 cục đất vuông, mỗi cục nặng 5kg, tùy theo yêu cầu mang nặng của buổi hành quân mà cán bộ quy định bỏ vào sọt 3 cục hay 4 cục. Nguyên do sau này mới rõ: trong những lần rèn luyện hành quân trước, cán bộ đã phát hiện ra một điều bí mật của mấy chàng lính ranh mãnh, họ đã lén vứt bớt đi một số cục đá cho nhẹ lưng, khi về gần tới điểm xuất phát họ lại nhặt bỏ thêm vào cho đủ trọng lượng ban đầu. Thế là từ nay mấy chàng láu cá hết đất dụng võ, làm sao mà qua mặt được những người có gương mặt già dặn hơn và áo cũng bạc màu hơn. Cũng cần nói thêm một chút về những người cán bộ chỉ huy đơn vị: thời đó cả cán bộ và lính chẳng có ai đeo quân hàm như bây giờ cả. Với cán bộ thì tôi không biết, nhưng chúng tôi thì không được cấp, cái mũ đội đầu cũng chẳng có ngôi sao (chắc là lính đông quá nên trang bị không đủ hay là để giữ bí mật chăng). Vì đóng quân ở phân tán trong nhà dân nên chúng tôi chỉ thường xuyên tiếp xúc với cán bộ trung đội, họ khác chúng tôi là cái gương mặt già hơn và mặc bộ quân phục bạc màu hơn. Mãi sau này tôi mới biết, cấp bậc của họ là trung sĩ và thượng sĩ, sĩ quan cấp thiếu úy đã làm cán bộ đại đội trở lên rồi. Sau hai tuần dần quen với nếp sinh hoạt của người lính, chúng tôi được bổ sung thêm trang bị; mỗi người có thêm được một chiếc xẻng nhỏ, một chiếc cuốc chim nhỏ (loại dùng cho lính bộ binh) và một bao ruột tượng đựng đầy 5kg gạo. Tiểu đội thì có thêm một con dao tông và bộ xoong nồi. Chiều cuối năm khô hanh và se lạnh, sau bữa cơm chiều, khi mặt trời vừa khuất sau rặng núi thì mệnh lệnh “hành quân di chuyển” được truyền tới, chúng tôi nhanh chóng khoác ba lô và trang bị ra vị trí tập trung. Màn đêm buông xuống, chúng tôi bắt đầu hành quân theo đội hình một hàng dọc, đêm không có trăng, trong ánh sáng mờ mờ nhờ những ngôi sao chiếu xuống, chúng tôi lặng lẽ bám theo nhau lom khom bước về phía trước. Đường hành quân không còn đi qua những xóm làng nữa, mà đi trên con đường mòn luồn lách dưới chân những quả núi, có khi phải leo ngược lên rồi xuôi xuống dốc khi con đường cắt ngang qua lưng một quả núi nhỏ (gọi là yên ngựa). Chừng nửa đêm thì được lệnh dừng lại triển khai đội hình trú quân, vị trí là một khu rừng có nhiều cây, trời tối om bởi tán lá che phủ gần hết bầu trời. Cán bộ ra lệnh: Mỗi tổ 3 người đào một cái hố hình chữ nhật (sâu 0,5m, dài 2m, rộng 1,5m) đủ cho 3 đứa nằm vào. Hầm đào xong, chúng tôi bẻ lá trải vào và lăn ra ngủ cho tới khi tiếng còi của cán bộ rít lên liên hồi thúc giục mọi người phải thức dậy. Còn đang ngái ngủ, vừa bò ra khỏi cái hố, thì một cảnh tượng đẹp như cõi tiên đập vào mắt, một khu rừng cây thẳng đứng đều nhau tăm tắp phủ kín trên mặt những quả đồi nhấp nhô, bao bọc xung quanh là những dãy núi đá vôi cao sừng sững được phủ đầy sương sớm mùa đông. Cái mệt mỏi sau một đêm hành quân nhanh chóng được xoa dịu bởi cảnh đẹp của núi rừng, trong lòng thầm nghĩ: đi bộ đội mà cứ như được đi du lịch, kể cũng xướng. Bài học tiếp theo là “nấu cơm không khói”. Mỗi tiểu đội được hướng dẫn đào một cái bếp lò có ống dẫn khói ra xa nằm dưới mặt đất, gọi là bếp Hoàng Cầm và tự nấu ăn. Các tiểu đội đua nhau trổ tài đào khoét và đun nấu, chẳng ai kêu mệt cả mà trái lại còn thấy vui như hội thi vậy. Lượn quanh dưới chân mấy vạt rừng là một dòng suối, nước trong vắt nhìn rõ những hòn sỏi tận đáy sâu. Qua một ngày đêm hành quân, đào hầm, đào bếp, kiếm củi, cơ thể đứa nào cũng nhớp nháp mồ hôi, chúng tôi nhảy ào xuống ngâm mình vùng vẫy trong dòng nước, đang là mùa đông nên nước suối rất lạnh, nhưng chẳng thấm tháp gì với các chàng trai trẻ ở cái tuổi bẻ gãy sừng trâu. Việc tắm suối hàng ngày được lặp lại trong suốt một tuần đóng quân trong rừng, rồi sự cố bắt đầu xuất hiện. Ban đầu là mấy người, sau đó là gần như đồng loạt, trên làm da non nớt của các chàng trai bắt đầu ngứa ngáy, nổi mụn, rồi lở loét như bị bệnh ghẻ vậy. Cán bộ vào bản hỏi người dân và biết được nguyên nhân: vùng này là rừng cây Lim, nước suối trong rừng Lim rất trong nhưng mà độc lắm, người dân trong bản chỉ dùng nước giếng đào chứ không dùng nước suối, chúng tôi bị lở loét là do nhiễm độc nước suối rồi. Ngay sáng sớm hôm sau toàn đơn vị được lệnh hành quân di chuyển về vùng an toàn, đó là khu vực gần nhà thờ Châu Sơn, xa nơi rừng thiêng nước độc ước chừng chưa tới 5km. Sức trai khỏe mạnh nên bệnh ghẻ cũng chê, mấy ngày sau chúng tôi lại sạch sẽ, trắng trẻo như chưa từng bị ghẻ bao giờ..
Tác giả: THANHLONG NGUYỄNSố bài thơ: [6]

Có Thể Bạn Thích

Nếu bạn yêu thích bài thơ này, Hãy ủng hộ tác giả bằng cách Chia Sẻ và Để lại bình luận ở bên dưới.

ĐỪNG THẾ NỮA

Anh yêu à Đừng thế nữa nha Anh. Em tin Anh với tất cả chân thành. Anh yêu thương Em và đã dỗ dành. Đừng thế nữa..Anh ... [Đọc thêm...]

CÓ MỘT NGÀY THÁNG BA

Tháng ba về cho nỗi nhớ chơi vơi. Hoa xoan tím thầm lặng rơi cuối xóm. Hoa bưởi trắng ngát hương thơm mỗi sớm. Cánh én ... [Đọc thêm...]

TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI LÍNH

Môt làn gió miên man trên đồng cỏ. Cùng chiếc xe lăn dạo mát bên đường. Gặp lại Em người Con gái Thân Thương. Tuổi ấu ... [Đọc thêm...]

LÀM DUYÊN MỘT CHÚT

Ảnh chính chủ. Nay ta thay đổi chút nào. Phục trang truyền thống rạng hào thắm tươi. Miệng ta luôn nở nụ cười. Tuy ... [Đọc thêm...]

CÁNH CÒ VÀ CÂU HÁT RU

Một đời mải miết đi mò. Chở mưa chở nắng ơi cò cò ơi. Thương con mê mải suốt đời. Mò cua bắt ốc chẳng rời đồng quê. ... [Đọc thêm...]

GỬI HẾT

Thơ Nguyễn thống. Anh gom hết cả nắng xuân. Gửi em nơi đó,, bưng khuâng đợi chờ. Anh gom hết cả vần thơ. Gửi em nơi ... [Đọc thêm...]

TÌNH QUÂN DÂN

Ơ Anh bộ đội biên phòng. Mời anh bộ đội xuống cùng bản Mông. A Mẩy đến tuổi muốn chồng. Nhìn anh Mẩy thấy trong lòng ... [Đọc thêm...]

CẢM XÚC GẦN NHAU CỦA LÍNH GIÀ

Giờ phút bên nhau quá ít thôi. Mà sao thấy đã quá sướng rồi. Tứ phương tụ tập vui trò chuyện. Chuyện xưa chuyện nay chỉ ... [Đọc thêm...]