HIẾU VI TIÊN
Ai tròn hiếu đạo đất trời dung
Quả thiện duyên may đến ở cùng
Quách Cự văn Tàu thôi miễn đọc
Chử Đồng tích Việt hãy lưu chung
Công cha núi cả đừng hờ hững
Nghĩa mẹ sông sâu chớ lạnh lùng
Phật sống trong nhà nên kính lạy
Chớ đừng ngộ nhận bái mông lung!
Quách Cự, tự là Văn Cứ, sanh vào đời nhà Hán, nhà rất nghèo, mồ côi cha, phụng dưỡng mẹ rất hiếu thảo.
Quách Cự có vợ sanh một đứa con trai được 3 tuổi. Khi đến bữa ăn, Quách Cự thường thấy mẹ mình nhịn bớt phần cơm, sớt qua cho cháu, nên bị thiếu ăn, lần lần sức khỏe sa sút. Quách Cự bàn với vợ : Vợ chồng mình đang thời sanh đẻ được, mẹ già thì chỉ có một, đã chẳng phụng dưỡng mẹ đầy đủ mà lại để cho con mình chia phần cơm của mẹ thì không phải.
Bàn nhau như vậy rồi, hai người ra sau nhà, đào một cái hố để chôn con. Khi đào xuống sâu độ một thước thì gặp một cái hủ, trên nắp hủ có viết hàng chữ “Thiên tứ huỳnh kim Quách Cự hiếu tử, quan bất đoạt, dân bất đắc thủ”. Nghĩa là : Trời ban vàng ròng cho con hiếu Quách Cự, quan chẳng phép đoạt, dân chẳng được lấy. Hai vợ chồng vô cùng mừng rỡ. Nhờ có vàng mà đời sống được sung túc, khỏi phải chôn con, lo phụng dưỡng mẹ già cho thỏa lòng hiếu đạo.
Theo ngu ý của mình, tuy là một gương hiếu trong nhị thập tứ hiếu ở bên Tàu nhưng hành vi đào hố chôn sống con trẻ của họ Quách là quá bất nhân không đáng học theo.
Chử Đồng Tử vị thánh nổi tiếng, sống vào thời Hùng vương thứ XVIII, một trong Tứ bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam: “Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, và Liễu Hạnh Công chúa.
Theo “Lĩnh Nam Chính Quái” của Vũ Quỳnh – Kiều Phú: Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Vi Vân tại Chử Xá huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (nay là xã Văn Đức, huyện Gia Lâm). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố che thân phải thay nhau mà mặc. Lúc già ốm, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình thì chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn.
Sau này Chử Đồng Tử xe duyên cùng Tiên Dung con của vua Hùng và hai người cùng học đạo thành tiên.