MAI HẮC ĐẾ
Nam Đàn vẫn vọng tiếng vua đen
Trỗi dậy trong thời giặc rối ren
Lũ cướp nhà Đường tham quá độ
Con người Lạc Việt khổ nhiều phen
Quân tàng Rú Đụn canh điều dữ
Thế tựa Sông Lam diệt lũ hèn
Lở đất long trời năm Quý Sửu
Cho dòng quốc sử đậm hương chen
Ông có tên thật là Mai Thúc Loan, từ nhỏ đã mồ côi cha, nhà nghèo nên ông theo mẹ đi làm thuê kiếm sống.Rồi một tai nạn khủng khiếp diễn ra năm ông 10 tuổi, giữa buổi hai mẹ con đi kiếm củi trong rừng sâu mẹ ông bị hổ vồ chết.
Ông được bạn của cha là Đinh Thế nhận làm con nuôi rồi gả con cho. Vợ của Mai Thúc Loan là nàng Ngọc Tô rất giỏi quán xuyến nhà cửa nên xây dựng được cơ nghiệp lớn.
Mai Thúc Loan hào hiệp, trượng nghĩa lại có chí lớn, đã tập hợp được thanh niên và nhân dân trong vùng mưu khởi nghĩa đánh đổ chính quyền đô hộ nhà Đường, giành độc lập. Ông có sức khoẻ hơn người, giỏi võ nghệ, nhiều lần đánh chết hổ nên được dân làng rất kính nể.
Vị thủ lĩnh trẻ được tôn thành vị anh hùng, đã hiệu triệu trăm họ hưởng ứng. Ông chọn Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn làm căn cứ,
Tháng 4 năm Quý Sửu (713), Mai Thúc Loan quyết định ra quân trước, đánh thẳng vào Châu Trị mở rộng địa bàn Hoan Châu, xây thành Vạn An dựa vào thế sông Lam chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.
Năm Giáp Dần (714), Mai Hắc Đế tiến binh đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). thái thú nhà Đường là Quang Sở Khách cùng đám thuộc hạ không chống cự nổi phải bỏ chạy về Bắc. Lực lượng của Mai Thúc Loan lúc đó lên tới chục vạn quân.
Từ đây Mai Thúc Loan tìm cách liên kết với các thủ lĩnh và nhân dân các châu miền núi, với Champa để có thêm lực lượng chống quân Đường.
Sau khi đánh đuổi quân nhà Đường ông lên ngôi xưng là Mai Hắc Đế.
Năm Bính Thìn 716 sau khi dẹp xong nội loạn, vua Đường cử Dương Tư Húc cầm 30 vạn quân cùng Quang Sở Khách chia hai đường thủy - bộ sang đánh vua Mai.
Cuộc chiến diễn ra ác liệt từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, cuối cùng do thế giặc quá mạnh vua Mai đã bị thua rút quân vào thủ trong rừng và bị bệnh chết năm 722. Như vậy thời gian xưng Đế của ông là gần 10 năm. Sau khi ông mất con trai thứ ba của ông kế vị, tức Mai Thiếu Đế, tiếp tục chống lại quân nhà Đường đến năm 723.
Tương truyền từ sau cuộc khởi nghĩa này, nhà Đường không bắt dân An Nam đô hộ phủ nộp cống vải hằng năm nữa.