TÌNH ĐỒNG ĐỘI
Năm 1972, Lê Tú học hết năm 3 Khoa tiếng Trung Đại học Ngoại ngữ thì nhập ngũ, lớp anh 50 sinh viên thì non nửa tòng quân đợt này và chỉ có ba người vào lực lượng bảo vệ biên giới. Sau khoá huấn luyện, vì biết ngoại ngữ, anh được điều về một đồn Biên phòng, biên giới phía bắc làm nhiệm vụ.
Cùng với Tú là Hoàng Mã Cháo, dân tộc Tầy, ít hơn Tú vài tuổi, hai người cùng Tiểu đội. Mã Cháo dễ tính, rất to khoẻ, biết Tú là sinh viên, thường xung phong gác đêm thay, kiếm củi giúp. Đổi lại, Tú dạy Cháo tiếng Hoa, Cháo mới biết bập bẹ, nay muốn học thêm. Vì thế, hai người rất thân nhau.
Năm 1978, Các chuyến tầu liên vận quốc tế đột ngột bị cắt vô thời hạn, cửa khẩu chấm dứt hoạt động. Là người trong cuộc, biết tiếng, Lê Tú biết chiến tranh đã cận kề.
2 giờ sáng 1721979. Ánh đèn sân Ga tàu biên giới nhợt nhạt, vài toa hàng cũ kỹ, trống không thu mình cuối đường ray. Tiếng chuột, tiếng côn trùng rõ hơn trong đêm tĩnh mịch. Ánh đèn pin loang loáng, ai đó vẫn tuần đường. Ca gác của Tú kết thúc. Vừa về chợp mắt một lúc, bỗng mặt đất rung chuyển, tiếng xe tăng gầm rú, tiếng đạn pháo chát chúa, đạn AK chiu chíu, lửa cháy khắp sân đồn. Tú choàng dậy, cùng đồng đội ôm súng lao ra chiến hào. Không kịp rồi, ba, bốn chiếc xe tăng án ngữ, nòng súng chớp liên hồi, khi nghe rõ tiếng thằng chỉ huy Bắt sống hết, tiêu diệt hết ! Tú biết chiến tranh đã đến.
Tú lao qua đạn lửa tìm đồng đội, trước cổng đồn, trong bục gác, chiến sỹ mới gục đầu trong vũng máu, phía bên kia, đồng chí Trạm phó đã hy sinh. Đội vũ trang chưa kịp triển khai phương án chiến đấu nên tổn thất quá nửa. Không còn cách nào khác, anh ôm súng bắn liên hồi về phía xe tăng địch, rồi băng đồi sang phía Pháo đài Đồng Đăng. Trên đường đi, nhà cửa bị tàn phá hết, xác người ngổn ngang.
Biết không thể trụ vững, cấp trên ra lệnh rút về cố thủ hầm pháo đài củng cố lực lượng chiến đấu. Vì quá bất ngờ, vì phương tiện thông tin bị phá, lệnh chiến đấu của chỉ huy không đến kịp thời nên tổn thất khá nặng nề. Tập trung về được Pháo đài khoảng mấy chục chiến sỹ, trong đó có Tú và Mã Cháo. Cháo bị thương trên trán, mảnh pháo vạt một mảng da chưa băng bó kịp. Hai đứa ôm nhau, máu trên mặt Cháo chảy xuống bờ vai Tú từ lúc nào.
Biết ý đồ của ta, địch cho xe tăng tràn tới, pháo lớn bắn liên hồi vào pháo đài, mảng bê tông sập xuống, lấp gần hết cửa, dưới chân đồi, tiếng lính Trung Quốc la hét, chúng cố bò lên tiêu diệt lực lượng ta đang cố thủ. Dù hy sinh cũng không để địch bắt sống, các chiến sỹ cảm tử, chia nhau các hướng bắn trả, đạn cạn dần. Tú ra lệnh cho mọi người chuẩn bị lựu đạn và dao găm. Tiếng địch mỗi lúc một gần, nhưng bản chất hèn mọn, chúng không dám lên pháo đài. Cuộc chiến đấu giằng co thì địch rút, nhường trận địa cho pháo tăng và pháo mặt đất từ bên kia bắn sang. Pháo đài tung lên, mấy người nữa hy sinh, Mã Cháo bị mảnh đạn nữa găm vào bụng, Tú bị mảng bê tông đè, anh cố thoát ra, bò đến ôm lấy Cháo. Máu chảy ướt khoảng đất anh nằm. Mắt không còn chớp, hơi thở yếu ớt, Cháo thều thào “Anh Tú ơi, em chết mất, nếu anh thoát ra, nhớ nơi em nằm báo cho đồng đội và bố mẹ em lấy xác về nhé, thôi anh đi đi, kệ em, pháo nó bắn hy sinh hết đấy. Không cầm lòng, Tú hét lên Không ! em không thể chết, chúng mình phải thoát khỏi đây, anh sẽ ở bên em !
Tú cõng Cháo trên vai, lê từng bước ra khỏi pháo đài trong tiếng pháo điên cuồng của kẻ thù. Đến chân pháo đài, Tú mừng khôn xiết vì gặp đội quân y tỉnh tăng cường, nhanh chóng băng bó vết thương cho Cháo, bàn giao xong, Tú quay lại pháo đài tìm đồng đội còn lại. Mã Cháo được chuyển ngay về phía sau, nơi có Trạm quân y dã chiến Quân khu cứu chữa.
Cuộc chiến đẫm máu kéo dài một tháng. Số phận những người lính sau cuộc chiến mới là điều day dứt. Mã Cháo ra viện, mang theo di chứng thần kinh vì vết thương ở trán. Anh phục viên vào năm sau, trở về địa phương mà không còn khả năng lao động nặng. Lấy vợ, sinh con, cả nhà 4 miệng ăn trông vào tiền trợ cấp thương binh của anh và mấy nương ngô trên núi. Anh không nhớ nhiều về chiến tranh, nhưng nhắc đến đồng đội, anh lại khóc hu hu như trẻ con. Một lần anh nói với vợ Tôi phải về tỉnh tìm anh Tú thôi, bao năm nay nhớ lắm, biết ơn nó lắm, không biết bây giờ ở đâu ? Hôm sau, anh khăn gói bắt xe về tỉnh tìm đến Ban Chính sách. Đồng chí Trưởng ban, sau khi nghe Cháo trình bày thì xúc động kể lại rằng “Lê Tú, sau khi trở lại pháo đài tìm đơn vị và đồng đội, anh tiếp tục tham gia chiến đấu nhiều trận và hy sinh vào ngày 2521979 dưới làn đạn pháo quân thù. Sau đó mộ anh được gia đình đưa về quê...” nghe đến đây, Mã Cháo bật dậy, ôm mặt khóc, anh chạy ra sân , ngửa mặt lên trời gọi Anh Tú ơi, thằng Cháo này có tội với anh rồi !
Mặc cho vợ can ngăn, ngay hôm sau, Cháo bắt xe về quê Tú theo địa chỉ ghi trên tờ lịch. Anh hỏi thăm ông cụ đang dắt trâu đầu làng, ông nói Đến nhà cậu Tú phải không, đi thẳng, rẽ phải là tới, nó hy sinh mấy năm rồi, đang nằm ở Nghĩa trang liệt sỹ trước mặt kia kìa ! Không do dự, Cháo vào thẳng nghĩa trang tìm Tú. Hàng hàng bia mộ nằm im lặng, gió thổi vi vút, khói hương bảng lảng. Kia rồi, đúng mộ anh Tú rồi. Cây cúc đang nở hoa trắng tinh khôi trước hàng chữ “LS Lê Tú, sinh 1952 hy sinh ngày 2521979 tại Lạng Sơn”
Cháo đứng trước mộ, nước mắt anh ràn rụa, bên tai anh vọng về tiếng gầm rít của xích xe tăng. Tiếng nổ chát chúa của đạn pháo trên nóc pháo đài, tiếng gọi khản giọng của người mẹ lạc con và tiếng hét lên của Lê Tú Không em không thể chết, chúng mình phải thoát khỏi nơi đây, anh sẽ ở bên em ! Cháo gục đầu khóc nức nở.Thắp nén hương lên mộ Tú, Cháo thầm nói điều gì không rõ, đó là tiếng tâm linh của hai người lính, một còn, một mất sau chiến tranh.
VT (Ký ức tháng 21979)